Mọi người dùng PC đều biết rằng cần phải thường xuyên thực hiện bảo trì để giữ cho hệ thống chạy trơn tru. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên thực hiện những việc sau đây nhằm tránh vấn đề không đáng có.

1. Dọn dẹp Registry

Về cơ bản, Registry là một cơ sở dữ liệu phức tạp lưu giữ các thiết lập của hệ điều hành Windows, cấu hình phần cứng máy tính, phần mềm được cài đặt cùng thông tin tài khoản người dùng. Mỗi khi cài đặt thêm phần mềm, thay đổi phần cứng hoặc tải xuống thứ gì đó từ Internet đều khiến Registry “phình” to hơn, truy xuất chậm hơn. Cho nên, bất kỳ người dùng nào cũng nghĩ rằng việc dọn dẹp Registry sẽ giúp cải thiện hiệu suất hoạt động cho hệ thống.

 

 

Tuy nhiên, các phần mềm dọn dẹp Registry có thực sự mang lại hiệu quả giống như hãng cung cấp thường quảng cáo hay không thì cho đến nay chưa có nghiên cứu thử nghiệm nào cho thấy tốc độ máy tính được cải thiện một cách đáng kể giữa tình trạng trước và sau khi dọn dẹp. Chính vì vậy, không phải người dùng máy tính nào cũng cần dọn dẹp Registry.

Theo nhận định, có lẽ chỉ có hai nhóm người cần đến phần mềm dọn dẹp Registry. Thứ nhất đó là những người thích vọc máy tính, vốn là những người biết chính xác đang làm gì. Họ thường thực hiện theo chỉ dẫn từng bước từ nhà sản xuất hoặc chỉ thích đi dạo vài vòng để xem điều gì sẽ xảy ra. Họ có thể hoàn tác lại những gì đã thực hiện và có thể sử dụng thuần thục phần mềm dọn dẹp Registry.

Nhóm thứ hai là những người đã xác định cần làm sạch Registry để thực hiện công việc của họ. Đây thường là giới lập trình viên và nhà phát triển phần mềm. Trong suốt quá trình phát triển một chương trình, họ có thể cài đặt và gỡ bỏ chúng hàng trăm lần nên sẽ cần một hệ thống “sạch” để chắc chắn rằng các vấn đề trước đây không can thiệp vào phiên bản phần mềm gần nhất.

2. Không tận dụng tính năng tự động dọn dẹp

Đối với các phiên bản Windows trước đây, người dùng cần phải thường xuyên chạy hàng loạt công cụ bảo trì để duy trì hiệu suất hệ thống. Trong Windows 10, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì những công cụ này được lên lịch chạy tự động và hầu như bạn không cần phải thường xuyên kiểm tra chúng. Đặc biệt, có một tính năng quan trọng mà bạn cần phải chú ý đó là Cleanup Tool giúp Windows tự động dọn dẹp những tập tin cũ và chống phân mảnh ổ đĩa (nếu không dùng ổ SSD).

Để lập lịch cho công cụ này hoạt động, hãy vào mục Settings của Windows và chọn phần System > Storage rồi bật thanh trượt sang chế độ On trong tùy chọn Storage Sense để Windows tự động dọn dẹp các tập tin cũ. Bạn cũng có thể nhấn vào liên kết “Change how we free up space” để cho phép hệ thống xóa các tập tin tạm hay nội dung cũ trong Recycle Bin. Ngoài ra, trong phần này cũng có nút Clean Now để giải phóng thêm dung lượng ổ đĩa.

Về tính năng chống phân mảnh, tốt nhất là bạn chỉ nên kích hoạt nếu máy tính trang bị ổ cứng truyền thống HDD và không nên sử dụng tính năng này cho ổ SSD. Mặc định, Windows có thể nhận biết ổ đĩa hệ thống và lên lịch chống phân mảnh phù hợp.

Tuy nhiên, bạn cũng nên tự mình kiểm tra lại bằng cách gõ lệnh defrag vào thanh trình đơn Start Menu để mở công cụ Defragment and Optimize Drives. Trong cửa sổ vừa xuất hiện, bạn có thể thấy rõ chi tiết và trạng thái của các ổ đĩa luận lý trong máy tính.

Nếu máy tính trang bị ổ SSD, Windows sẽ hiển thị nút Optimize cho phép tối ưu ổ đĩa. Còn nếu máy tính sử dụng ổ HDD, Windows sẽ tự động chống phân mảnh ổ đĩa. Hãy đảm bảo phần “Scheduled optimization” đang ở trạng thái On.

 

 

3. Bỏ bê cập nhật Windows

Windows Update giúp hệ thống của bạn được vá lỗi và an toàn. Không giống các phiên bản Windows trước đây vốn cho phép người dùng có thể tắt hoàn toàn tính năng Update để tránh bị ảnh hưởng trong quá trình sử dụng, Windows 10 không còn tích hợp tùy chọn này mà quá trình cập nhật sẽ diễn ra một cách tự động, không thông báo cho người dùng. Trong Windows 10, bạn có thể tạm thời tắt tính năng tự động cập nhật của Windows Update nhưng nó vẫn chạy theo cách riêng.

Đối với phần lớn người dùng thì Windows Update sẽ làm chậm hệ thống, có thể gây ra lỗi không tương thích hoặc thậm chí gây ra những tình huống khó chịu. Một số người dùng đã vô hiệu hóa tính năng Windows Update nhưng đó là một việc được khuyến cáo không nên thực hiện. Nếu không được cập nhật thường xuyên, máy tính của bạn dễ gặp phải các lỗ hổng về bảo mật, các lỗi tồn đọng ở phiên bản Windows trước và quan trọng là bạn không được trải nghiệm những tính năng mới do Microsoft cung cấp.

Vì vậy, thay vì vô hiệu hóa và bỏ qua các bản cập nhật mới, hãy quản lý tính năng Windows Update để làm cho nó hoạt động tốt hơn.

Windows Update trong Windows 10 được thiết kế để hoạt động chạy nền, tự động giữ hệ thống của bạn an toàn hơn và chạy một cách trơn tru, hoàn toàn không làm phiền người dùng.

4. Sao lưu sai cách

Về cơ bản, việc sao lưu dữ liệu máy tính không khác gì so với thao tác sao chép các tập tin cần thiết từ một ổ đĩa này sang một ổ đĩa khác để dự phòng. Tất cả những gì cần thực hiện để tạo một bản sao lưu là chọn bất kỳ tập tin nào trên hệ thống, ấn tổ hợp phím Ctrl + C để sao chép và sau đó ấn Ctrl + V để dán vào vị trí khác.

Rất nhiều người dùng máy tính nghĩ rằng họ không có dữ liệu gì quan trọng nên chẳng cần thiết phải thực hiện công tác sao lưu. Đó chắc chắn là một suy nghĩ sai lầm vì ngay cả khi bạn không có tài liệu gì quan trọng thì hãy thử nghĩ đến việc cài đặt lại và thiết lập hệ thống Windows theo cách riêng của mình sau khi xảy ra sự cố cũng mất hàng đống thời gian. Nếu trước đó bạn đã cẩn thận thực hiện sao lưu thì có lẽ đã không phải tốn nhiều công sức như vậy.

Thực tế thì sao lưu không chỉ là việc sao chép lại các tập tin dữ liệu cá nhân mà còn sao lưu các tập tin quan trọng của hệ điều hành Windows, các thiết lập hệ thống,… Việc sao lưu sẽ giúp cho công tác phục hồi hệ thống về trạng thái mong muốn được tiện lợi, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu những rủi ro liên quan khác.

Một số người dùng máy tính muốn sao lưu tất cả mọi thứ và điều đó không có gì sai. Nhưng trong hầu hết trường hợp thì việc này sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như dung lượng lưu trữ. Do đó, hãy cân nhắc những yếu tố sau đây trước khi thực hiện sao lưu. Tốt nhất là chỉ nên chọn sao lưu hệ thống cùng với những tài liệu thật sự quan trọng.

5. Chạy trình tối ưu hóa RAM

Giống như các công cụ dọn dẹp Registry, hiện có rất nhiều chương trình có chức năng tối ưu hóa bộ nhớ RAM cho máy tính. Nhiều người nhận thấy rằng bằng cách chạy các chương trình này, máy tính của họ sẽ được tăng tốc tức thì mà không phải thực hiện quá nhiều thủ thuật rườm rà. Tuy nhiên, nói đúng ra thì giải pháp trên không phải là một cách hay và hiệu quả nhất.

Trên thực tế, các phiên bản Windows mới hiện nay đều có thể thực hiện công việc quản lý bộ nhớ RAM. Nếu bạn muốn xử lý vấn đề các chương trình “ngốn” RAM như trình duyệt Chrome nhưng lại không muốn cài đặt một trình tối ưu hóa RAM thì giải pháp thay thế là chọn một số công cụ tích hợp sẵn trong Windows 10, chẳng hạn như Task Manager.

 

 

6. Để nhiều chương trình chạy khi khởi động

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến máy tính chạy chậm, đặc biệt trong lúc khởi động, là có quá nhiều chương trình tự động khởi chạy khi người dùng đăng nhập vào máy. Hầu hết các ứng dụng và chương trình sau khi cài đặt đều tự động thêm chúng vào danh sách những chương trình tự chạy mỗi khi bật máy tính vào Windows. Điều này thực sự rất lý tưởng cho những chương trình cần thiết như trình chống virus, trình quản lý clipboard, nhưng nói chung lại không phù hợp với những chương trình chuyên dụng như Adobe Reader, Spotify và Skype.

Nếu bạn không có nhu cầu sử dụng thường xuyên, việc mở những chương trình này chỉ làm lãng phí tài nguyên. Rất may là bạn có thể dễ dàng loại bỏ hàng loạt chương trình tự động chạy khi khởi động máy tính. Nếu cảm thấy mất nhiều thời gian để chờ đợi Windows hoàn tất quá trình khởi động, việc tắt bớt các ứng dụng chạy kèm có thể phần nào giải quyết được tình trạng này.

Tất cả những gì bạn cần làm là mở trình Task Manager trong Windows 10 lên, chọn thẻ Startup rồi nhấn chuột phải vào bất kỳ chương trình nào mà bạn cho là không cần thiết khởi chạy khi mở Windows và cuối cùng chọn Disable. Lưu ý là chỉ nên để các chương trình thiết yếu nhất chạy khi khởi động, hạn chế ảnh hưởng đến cả tốc độ khởi động Windows lẫn hiệu suất tổng thể của máy tính.

 

7. Quên nâng cấp phần cứng

Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng việc bảo trì Windows là những hành động cụ thể dựa trên phần mềm. Tuy nhiên, máy tính của bạn cũng có thể gặp vấn đề về phần cứng vật lý, có thể ảnh hưởng đến hiệu suất trong quá trình hoạt động.

Tất cả thành phần linh kiện máy tính đều có tuổi thọ hạn chế và chúng sẽ bắt đầu có những hiện tượng báo hiệu sắp đến thời kỳ cần được bảo trì hay thay thế. Bạn có thể nhận biết những dấu hiệu này khi chúng bắt đầu hoạt động ồn hơn, phát ra những âm thanh lạ, hệ điều hành bắt đầu chạy chậm hẳn hoặc thường xuyên hiển thị những thông báo lỗi không có lý do rõ ràng.

Những vấn đề trên hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn thường xuyên kiểm tra tình trạng của các linh kiện phần cứng và sớm nhận ra các bộ phận có thể hư hỏng. Chẳng hạn, hệ thống tản nhiệt kém sẽ dẫn đến tình trạng máy tính quá nóng và hay bị treo. Bụi đóng quá nhiều cũng có thể cản trở hiệu suất hoạt động của các thành phần linh kiện. Ngoài ra, việc bảo trì phần cứng thường xuyên cũng sẽ đảm bảo phần mềm hoạt động tốt.