Cho dù bạn có kĩ lưỡng đến mấy thì sau một thời gian sử dụng, ổ cứng máy tính của bạn trước sau gì cũng sẽ “chết”. Tuy nhiên, ổ cứng máy tính hoàn toàn không có cái gọi là giới hạn chính xác “tuổi thọ” do còn tùy vào chất lượng, độ bền và cách sử dụng của người dùng.
Mặc dù vậy, nếu bạn cẩn thận và tránh các lỗi thường gặp thì độ bền, cũng như tuổi thọ của ổ cứng có thể tăng thêm một khoảng thời gian nhất định. Vậy làm thế nào để tăng tuổi thọ cho ổ cứng? Sau đây sẽ là một vài gợi ý dành cho bạn.
Hãy nhẹ tay và cẩn thận khi “trên tay”
Mặc dù trong khá cứng cáp nhưng sự thật thì ổ cứng máy tính khá …mỏng manh. Nguyên do chúng được cấu tạo từ nhiều bộ phận chuyển động cơ học nên có thể dễ dàng gặp vấn đề khi có bất cứ một xáo trộn nhỏ nào. Cụ thể, nếu vô tình làm rơi ổ cứng, bất kể nặng hay nhẹ điều có thể đem lại vấn đề.
Do đó, nếu tiến hành tháo ổ cứng khỏi máy tính, hãy nhẹ nhàng và chỉ thực hiện sau khi máy tính đã tắt hoàn toàn trong 2 phút. Trường hợp tháo lắp ổ cứng từ máy tính này sang máy khác, hãy thật cẩn thận và sử dụng trang thiết bị hỗ trợ như găng tay, vòng chống tĩnh điện,… Hạn chế tuyệt đối các va chạm vật lí có thể gây tác động trực tiếp đến ổ cứng.
Tránh quá nhiệt
Tương tự như các linh kiện khác trong máy tính, ổ cứng máy tính được thiết kế để hoạt động tối ưu trong một phạm vi nhiệt độ nhất định. Tùy vào dòng ổ cứng khác nhau và phạm vi nhiệt độ cũng khác nhau, tất cả điều tùy thuộc vào nhà sản xuất quy định. Do đó, bạn nên tìm hiểu kĩ thông tin này để luôn giữ cho ổ cứng hoạt động ổn định trong pham vi nhiệt độ cho phép.
Chính vì thế, bạn phải cố gắng đảm bảo luồng không khí bên trong thùng máy phải được luân chuyển một cách thông thoáng để tản nhiệt cho các linh kiện phần cứng bên trong. Cụ thể, hãy thường xuyên thực hiện vệ sinh bụi ở các linh kiện phần cứng bên trong thùng máy, đảm bảo rằng các quạt tản nhiệt ở các linh kiện điều hoạt động tốt.
Trường hợp nếu bạn sử dụng laptop, hãy luôn đặt máy trên những mặt phẳng, sạch và cứng để hạn chế bụi bẩn và giúp tỏa nhiệt tốt hơn. Bạn cũng nên cân nhắc đầu tư một chiếc quạt tản nhiệt cho laptop nếu như sử dụng laptop trong một thời gian dài và cố định.
Chống phân mảnh ổ cứng
Mặc dù đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây “chết” ổ cứng máy tính nhưng nó cũng góp phần làm cho ổ cứng hoạt động hết công suất vì phải tìm kiếm các “mảnh” tập tin nằm phân tán khắp nơi trong ổ cứng, thay vì chúng phải ở gần nhau. Chính vì lẽ đó, ổ cứng sẽ nhanh chóng “hao mòn” qua năm tháng và khi đến lúc nào đó, “cái chết” sẽ ập đến với ổ cứng của bạn.
Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này? Đó chính là quá trình chống phân mảnh. Và bạn có thể thực hiện quá trình này với sự giúp sức của các phần mềm chống phân mảnh được tích hợp sẳn trên hệ điều hành máy tính hoặc của bên phần mềm thứ ba. Lưu ý là bạn chỉ thực hiện chống phân mảnh khi phát hiện ổ cứng bị từ 5-10% phân mảnh. Và bạn sẽ cảm thấy máy tính của mình chạy nhanh hơn khi thực hiện “liệu trình” này.
Hạn chế tắt/bật máy tính một cách liên tục
Có thể bạn không biết nhưng hành động đòi hỏi mức độ truy xuất ổ cứng nhiều nhất trên máy tính chính là việc bật và tắt máy tính. Và việc bật, tắt liên tục sẽ khiến ổ cứng quay nhiều hơn dẫn đến hao mòn nhanh so với khi bạn sử dụng thông thường.
Chính vì vậy, nếu trường hợp bạn phải ra ngoài trong thời gian lâu như nửa ngày chẳn hạn, hãy tắt máy tính. Trường hợp chỉ rời khỏi trong một vài giờ, hãy sử dụng chế độ Standby hoặc Hibernation. Hay Sleep để hệ thống tự ngắt nguồn điện vào ổ cứng.
Sử dụng ổn áp
Thông thường, nguồn điện luôn không được ổn định, việc mất điện đột ngột có thể gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng cho máy tính, và phần lớn điều là nguyên chính làm hỏng các linh kiện phần cứng của máy tính, trong đó có ổ cứng. Thậm chí, việc điện áp có thể tăng vọt lên vài nano giây hoặc giảm áp đột ngột cũng có thể khiến máy tính lập tức tắt theo cách không mong muốn.
Do đó, tốt nhất bạn nên sử dụng một bộ ổn áp để luôn giữ cho điện áp ổn định và chuyển nó sang các thiết bị điện tử, máy tính để giữ cho các linh kiện luôn được an toàn. Hoặc nếu chỉ chủ yếu máy tính, bạn có thể trang bị một UPS (bộ lưu điện) để đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho máy tính.